Phát triển lễ hội, tượng đài, chợ phiên sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chiến lược, đặc sản.

Lễ hội Cà phê (Coffee Festival) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là lễ hội quốc gia 2 năm tổ chức một lần. Lễ hội Cà phê 2019 được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuật với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” đã để lại trong tôi những ấn tượng “đậm đặc”.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội nhằm mục tiêu quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam; từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Ngoài ra, Lễ hội cũng là dịp để tôn vinh người trồng cà phê, chế biến và kinh doanh cà phê, động viên cộng đồng chung tay vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, của Việt Nam nói chung. Lễ hội với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú sẽ góp phần xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk với 6 nhóm hoạt động chính gồm: Hội chợ, Hội thảo, Hội thi, Triển lãm, Du lịch, Ẩm thực Cà phê… Đây là lễ hội sản phẩm đầu tiên không dùng tiền ngân sách và có nhiều giá trị cần tổng kết, nhân rộng.

Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chiến lược chủ lực của nước ta với quy mô sản xuất trên 600.000 ha (đứng thứ tư thế giới) với sản lượng 1,8 triệu tấn (đứng thứ hai thế giới). Năng suất cà phê khoảng 3 tấn/ha (đứng đầu thế giới). Giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam khoảng 3,8 tỷ USD. Tỉnh Đắk Lắk sản xuất 200.000 ha cà phê, bằng 35% diện tích cả nước, xứng đáng là thủ phủ cà phê của nước ta.

Hiện nay, cả nước có khoảng 8000 lễ hội và 400 tượng đài trong đó đã bắt đầu xuất hiện tượng đài cá Ba sa ở Châu Đốc – An Giang, Lễ hội Cà phê (Đắk Lắk), chè (Thái Nguyên), cam (Hoà Bình, Tuyên Quang, …), hoa Tam giác mạch (Hà Giang), hoa Hướng dương, sữa (Nghệ An), hoa Tulip (Đà Nẵng), hoa Anh đào (Hà Nội, Quảng Ninh), thành phố ngàn hoa, hoa Dã quỳ (Lâm Đồng), hoa Ban (Điện Biên), sâm Ngọc Linh (Kon Tum), nho và vang (Ninh Thuận) và một số sản phẩm ngành nghề nông thôn, v.v…

Tôi nghĩ rằng, những lễ hội và sản phẩm nông nghiệp, nông thôn mới này rất đáng tổng kết, khuyến khích mở rộng. Chính phủ đã phát động chương trình “mỗi xã một sản phẩm” thì các lễ hội, hội chợ, phiên chợ này là hành động thiết thực hưởng ứng tốt nhất của các địa phương, hình thành sản phẩm du lịch mới của đất nước.

Chỉ cần 30 năm có thể tạo ra một sản phẩm đẳng cấp thế giới

Lễ hội Cà phê cho thấy cây cà phê được trồng ở nước ta từ 1857 đến nay là 162 năm, có nghĩa cà phê là một loại cây trồng mới so với những loài cây trồng bản địa khác. Tuy nhiên, cà phê đã trở thành cây sản xuất hàng hoá có tốc độ phát triển nhanh từ sau năm 1975 khi đất nước thống nhất và có cơ chế quản lý nông nghiệp mới: phát triển sản xuất nông hộ, tiểu điền kết hợp với doanh nghiệp, bổ sung cơ cấu lao động và lực lượng sản xuất mới, chuyển đổi kinh tế thị trường với định hướng xuất khẩu, gần đây có thêm phong trào xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, tái canh cà phê… Như vậy là chỉ cần có 30 năm nếu xác định mô hình và phương thức tổ chức sản xuất đúng thì chúng ta có thể hoàn toàn phát triển một cây, một con, một sản phẩm nông nghiệp vượt lên hàng đầu thế giới. Thực tiễn không chỉ có cà phê mà hiện nay chúng ta đang đứng hàng đầu về xuất khẩu nông sản với hồ tiêu, điều, cao su, gạo, rau quả, chè, thuỷ sản, đồ gỗ, v.v…

Khoa học và công nghệ chế biến sâu cùng các giá trị khác làm tăng 30 – 50 lần giá trị sản xuất cà phê

Chúng ta đã có nhiều giống tốt (variety) năng suất cao gấp 2 lần năng suất cà phê thế giới.

Báo cáo tại Lễ hội cho thấy giá trị thu nhập hiện nay của nông dân sản xuất cà phê đạt khoảng 100 – 120 triệu/ha/năm (năng suất 3 tấn x 40.000 đ/kg). Tuy nhiên, nếu tính cả giá trị chuỗi thương mại đến người tiêu dùng thì giá trị gia tăng của cà phê đứng hàng đầu trong các cây trồng sản xuất trồng trọt (1 kg cà phê nhân qua chế biến pha được 30 - 50 phin với giá 30.000 đồng/phin).

Công nghệ chế biến sâu cà phê từ thủ công (handcrafted), sơ chế (processing), rang (roasting), xay (husking), hoà tan (dissolve), phối trộn (blend), nghệ thuật (artisanal),… Cà phê có các chứng chỉ chất lượng phong phú: UTZ, 4C, Organic, Fair Trade, Rainforest Aliance,… đặc biệt là cà phê đặc sản (specialty), cà phê viên, cà phê ít caffein...

Hệ thống nông, công nghiệp thực phẩm cà phê có giá trị tổng hợp cả kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường với mô hình cà phê phát triển bền vững bao gồm: cấu trúc giống lợi thế so sánh cà phê vối (Robusta), cà phê chè (Arabica); mô hình cà phê – ca cao, (sản xuất socola đặc biệt), cà phê cây rừng, cà phê cây ăn trái,… phù hợp với chất đất, độ cao mặt biển và khí hậu các tiểu xuất xứ (Single – origin), vùng (Region) như: nhiệt đới cao nguyên (Tây Nguyên), miền Trung, Tây Bắc… đa dạng.

Văn hoá cà phê bao gồm phương thức sản xuất của các dân tộc, tôn giáo, giới tính, thị trường… ví dụ như: người Ê đê giã cà phê bằng tay, pha cà phê bằng túi vải; người Pháp pha bằng phin; người Việt có cà phê đá, trứng, chồn, cà phê bình dân… Lượng tiêu dùng cà phê trong nước ngày càng tăng cùng với quá trình đô thị hoá và tăng tỷ lệ phân khúc trung lưu, thượng lưu, coi cà phê là khẩu phần có giá trị ẩm thực (thơm, đậm, ngon, đắng, ngọt, nóng, lạnh, nâu, đen,…) kích thích lao động sáng tạo (Intelligentsia cà phê)... Gần đây có “Cà phê khuyến nông”, khởi nghiệp, doanh nghiệp, gặp gỡ, hò hẹn,…

Lễ hội cũng cho thấy đây là cách tốt nhất hiện nay để quảng bá sản phẩm thương mại trực tuyến, coi marketing là động lực bằng hình ảnh, chất lượng, giá trị... Thị trường đang đánh giá cà phê vượt coca cola và ngang bằng với rượu vang về marketing.

Như vậy, cà phê là sợi dây kết nối cá nhân – cộng đồng, tôi và chúng ta, đất nước và thế giới hội nhập; có vai trò như là một trong những cách giao tiếp lịch thiệp nhất thế giới, góp phần thúc đẩy tái cấu trúc nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam thời toàn cầu hoá.

Cà phê cùng với cồng chiêng từ đặc sản đã trở thành di sản.

Lê Hưng Quốc

Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm