Qua nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Môi trường và Phát triển lâm nghiệp bền vững thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, toàn bộ cây quế trồng tại Lào Cai là cùng một giống Cinnamomum cassia, hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế là 4,6% - mức khá cao trong đánh giá chất lượng quế.  

Thực trạng

Quế sau 3 năm trồng bắt đầu cho thu hoạch từ cành, lá. Sau 10 năm có thể chặt tỉa để thu hoạch vỏ. Sau 13 - 15 năm thu hoạch trắng để trồng lại. Một héc-ta quế trong 1 chu kì - 15 năm cho thu nhập trên dưới 600 triệu đồng, thâm canh tốt có thể đạt 700 triệu đồng, bình quân 40 triệu đồng/ha/năm, trong đó thu từ vỏ quế là chính, chiếm khoảng 75%, từ cành lá chiếm dưới 10%, từ gỗ khoảng 15%. Như vậy toàn bộ diện tích trồng quế tại Lào Cai có thể cho thu nhập trên 1.000 tỉ đồng mỗi năm theo giá thời điểm hiện tại. Tuy nhiên đến nay diện tích quế trên 10 năm tuổi chưa nhiều (trên 50% diện tích từ 1 – 5 tuổi), mỗi năm khai thác khoảng 8 - 10 ngàn tấn vỏ, doanh thu từ quế ước đạt 500 tỉ đồng/năm và sẽ tăng dần hàng năm.

Một nghịch lí là với một ngành hàng có quy mô ngàn tỉ mỗi năm nhưng thị trường không nhiều người biết đến. Hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có một vài cơ sở chiết xuất tinh dầu sử dụng công nghệ lò hơi khá thô sơ, sản phẩm là dầu thô hàm lượng thấp, giá bán phụ thuộc vào tư thương từ Trung Quốc. Có 2 cơ sở chế biến vỏ quế là HTX Chiến Thắng (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) và HTX Quế hữu cơ Nậm Đét (xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà) sơ chế quế ống điếu, quế sáo, bột quế và một số rất ít hộ nông dân biết sơ chế vỏ quế. Tỉ lệ qua sơ chế chiếm khoảng 3 - 5% sản lượng khai thác hàng năm. Như vậy 95 - 97% sản lượng quế bán dạng nguyên liệu thô qua các tư thương, điểm thu mua nhỏ lẻ và vận chuyển về các nhà máy tại Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh để chế biến. Quế từ Lào Cai được sơ chế, chế biến tại các nhà máy ở nơi khác đều mang nhãn hiệu của các đơn vị chế biến xuất khẩu và ghi xuất xứ nguyên liệu đầu vào từ Yên Bái. 

Có thể nói quế Lào Cai chưa được đặt tên!

Sơ chế quế tại HTX quế hữu cơ Nậm Đét (huyện Bắc Hà)

Cơ hội để quế Lào Cai tham gia thị trường

Theo thống kê của Hiệp hội Gia vị thế giới, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế (sau Indonesia, Sri Lanka). Các sản phẩm từ quế của Việt Nam nói chung chủ yếu được xuất khẩu, thị trường tiêu thụ chính gồm Ấn Độ, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU. Tuy là nước có sản lượng lớn nhưng quế mang thương hiệu Việt xuất khẩu mới chỉ chiếm khoảng 7% thị phần do chế biến chưa sâu, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh. Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam lại mang nhãn hiệu của quốc gia khác trước khi xuất khẩu sang nước thứ 3, dư địa thị trường còn rất lớn.

Diện tích quế của cả nước ước tính khoảng 150 nghìn ha, nhiều nhất tại Yên Bái, sau đó là Lào Cai, rồi đến Quảng Nam, Thanh Hóa,… Tỉnh Lào Cai đưa quế vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực khuyến khích liên kết đầu tư sản xuất và chế biến, tiêu thụ. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho quế Lào Cai. Hiện nay một số công ty lớn kinh doanh xuất khẩu trong lĩnh vực gia vị đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến tại Lào Cai. Một số công ty nước ngoài đang khảo sát. Đã có 02 HTX tổ chức sơ chế các sản phẩm quế xuất khẩu. Chất lượng giống quế trồng tại Lào Cai được đánh giá tốt, thuần loài, đã có 615 ha quế của 415 hộ trồng tại thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét có chứng chỉ quế hữu cơ quốc tế (chứng chỉ EU) và khoảng 1.000 ha tại Bắc Hà và Văn Bàn đang trong quá trình đánh giá. 

Đây là cơ hội lớn cho quế Lào Cai!

Giải pháp để quế Lào Cai tham gia thị trường quốc tế

- Quản lý vùng trồng để có nguyên liệu tốt cho chế biến. Thị trường châu Âu có tính ổn định cao, giá tốt nhưng yêu cầu chất lượng cũng rất cao và có sự kiểm duyệt gắt gao. Để tham gia thị trường khó tính này ngoài việc chế biến sâu, khâu bao gói, bảo quản, xây dựng thương hiệu cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào.

Hiện nay việc quản lý vùng trồng tại tỉnh Lào Cai chưa tốt. Do nhìn cái lợi trước mắt từ việc bán cành, lá nên nông dân trồng mật độ quá dày, có nơi trồng 10.000 cây/ha để khai thác lá. Trong khi đó, giá trị từ cành lá chỉ chiếm dưới 10% giá trị thu được từ cây quế. Ngoài ra, nông dân chỉ trồng thuần loài, mật độ dày, sử dụng phân vô cơ nên dễ phát sinh sâu bệnh hại, dẫn đến phải sử dụng thuốc hóa học. Sau chu kì khai thác lá thời gian chuyển đổi để đủ điều kiện chứng nhận quế sinh thái, hữu cơ rất khó khăn. Bà con nên tuân thủ những hướng dẫn, khuyến cáo về mật độ trồng, về giống, kỹ thuật trồng rất cụ thể mà cơ quan chuyên môn đã ban hành.

- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại:

Các HTX, cơ sở chế biến quế trong tỉnh nên khẩn trương đăng kí nhãn hiệu, công bố tiêu chuẩn, đồng thời lập hồ sơ đăng kí sản phẩm OCOP để được hỗ trợ xúc tiến thương mại. Các địa phương trồng quế cần chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Với sự chỉ đạo đúng và trúng của ngành nông nghiệp, sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự đồng hành của người dân, chắc chắn quế Lào Cai sẽ trở thành sản phẩm chủ lực và có thương hiệu mạnh trong tương lai gần.

Ninh Quý Tạo

Trung tâm Khuyến nông và DVNN Lào Cai