Nhu cầu yếu, giá giảm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã XK được 3,288 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,609 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo XK tăng 23,68% về lượng còn kim ngạch tăng tới 37,81%. Giá trị tăng cao hơn nhiều so với mức tăng của kim ngạch là nhờ giá gạo XK bình quân trong nửa đầu năm nay cao hơn tới 50,17 USD/tấn so với nửa đầu năm ngoái.

XK gạo trong 6 tháng qua diễn ra thuận lợi nhờ nhu cầu NK tăng cao ở nhiều thị trường quan trọng, nhất là các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines, Malaysia… Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Indonesia đã NK từ Việt Nam 685.908 tấn gạo (tăng 4.397,76% so cùng kỳ năm ngoái), kim ngạch 322 triệu USD (tăng 5.914,67%); Philippines NK 384.146 tấn gạo (tăng 43,54%), kim ngạch 183,462 triệu USD (tăng 76,8%); Malaysia NK 304.178 tấn gạo (tăng 86,13%), kim ngạch 138,221 triệu USD (tăng 112,7%), Iraq NK 150.000 tấn gạo (tăng 120,51%), kim ngạch 85,56 triệu USD (tăng 153,54%)…

Tuy nhiên, từ tháng 7 này, XK gạo đã bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Trước hết là bởi nhu cầu NK đã giảm đáng kể trên thị trường gạo toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung lại đang vào thời điểm tăng lên ở nhiều nước XK quan trọng. Thông tin từ các nguồn tin quốc tế cho hay vào thời điểm này, một số nước NK quan trọng như Bangladesh, Sri Lanka đang không tham gia vào thị trường gạo, các nước châu Phi chỉ giao dịch những hợp đồng nhỏ, nhu cầu yếu từ các nước châu Á khác và khu vực Trung Đông… Trong khi đó, nguồn cung gạo ở Việt Nam đang tăng lên do thu hoạch vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thái Lan cũng đang vào vụ thu hoạch với tín hiệu được mùa.

Những yếu tố trên cộng với đồng USD tăng đã gây sức ép làm giảm khá mạnh giá gạo XK, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước khác. Gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống chỉ còn 375 USD/tấn, là mức giá thấp nhất kể từ tháng 11/2017. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện ở mức trên dưới 390 USD/tấn. Giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam hiện cũng chỉ còn khoảng 390 USD/tấn. Giá gạo XK giảm mạnh khiến cho giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL cũng đã giảm khá nhiều. Giá lúa khô hạt dài hiện chỉ còn 6.100 - 6.200 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 5. 

Gặp khó vì Trung Quốc tăng thuế

6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam khi đã NK 891.688 tấn gạo, kim ngạch 474,835 triệu USD (chiếm 26% lượng gạo XK của Việt Nam).

Vừa qua, Trung Quốc đã điều chỉnh thuế NK gạo từ các nước Đông Nam Á. Theo đó, từ ngày 1/7, thuế NK với tất cả các loại gạo ở mức 40 - 50% (riêng tấm có thuế NK là 5%). Việc điều chỉnh thuế như trên của Trung Quốc đang gây thêm khó khăn cho XK gạo Việt Nam, nhất là với mặt hàng gạo nếp. Theo ước tính của các doanh nhân ngành lương thực, nếp chiếm tới 50% lượng gạo XK của Việt Nam sang Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc chiếm tới khoảng 90% lượng gạo nếp XK của Việt Nam.

Theo Ths. Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt), trong vụ đông xuân 2017/2018, các tỉnh ĐBSCL đã gieo trồng 157.798 ha lúa nếp (giảm 4,52% so vụ đông xuân 2016/2017). Với năng suất bình quân 7 tấn/ha, thì sản lượng lúa nếp đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tương ứng với khoảng gần 700.000 tấn gạo nếp.

Nhìn lại XK gạo sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm là 891.688 tấn, mà nếp chiếm tới 1 nửa thì sẽ vào khoảng trên 440.000 tấn. Như vậy, còn một lượng nếp không nhỏ cần tiếp tục được XK (đấy là chưa tính sản lượng gạo nếp từ vụ hè thu 2018), mà chủ yếu vẫn trông chờ vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, do chính sách thuế mới của Trung Quốc, việc XK gạo nếp sang nước này kể từ đầu tháng 7 đến nay đang gặp phải khó khăn không nhỏ. Các DN chuyên XK gạo nếp sang Trung Quốc đang gần như không bán được hàng.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết, nếu không muốn phải chịu mức thuế NK mới, DN có thể mua hạn ngạch NK vào Trung Quốc (vì hạn ngạch thuế quan không bị điều chỉnh bởi chính sách thuế NK mới). Tuy nhiên, khi mua hạn ngạch NK, chi phí cho mỗi tấn gạo nếp XK sang Trung Quốc sẽ tăng khoảng 120 USD. Do đó, các nhà NK Trung Quốc (vốn vẫn còn một lượng gạo nếp tồn kho) đang mua khá ít hoặc chỉ mua với giá thấp.

Điều đó đã khiến cho giá gạo nếp XK của Việt Nam giảm rất mạnh, từ mức 530 - 540 USD/tấn hồi đầu năm nay xuống chỉ còn dưới 400 USD/tấn. Với mức giá này, các doanh nghiệp XK gạo nếp Việt Nam đang bị thua lỗ. Nhưng đáng lo ngại hơn là việc XK gạo nếp đang gần như bị ngưng trệ kể từ khi Trung Quốc đánh thuế NK gạo nếp lên tới 50%. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ lúa nếp của nông dân vụ hè thu 2018.

Theo Báo Nông nghiệp