Để giúp cho bà con nông dân tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật mới, tăng thêm thu nhập trên đơn vị diện tích, từ năm 2006, Sở Nông nghiệp &PTNT Vĩnh Long triển khai dự án “Ứng dụng giống mới và chuyển giao kỹ thuật phát triển cây ca cao giai đoạn 2006-2010”. Một số địa phương có đủ điều kiện thực hiện được hỗ trợ xây dựng mô hình trồng ca cao xen trong vườn cây ăn trái, chủ yếu là vườn dừa để khai thác tiềm năng kinh tế đất đai cùng với nguồn lao động sẵn có tại địa phương.

Huyện Trà Ôn được chọn để triển khai mô hình. Từ những hiệu quả bước đầu của dự án, giai đoạn 2011-2015, Sở Nông Nghiệp &PTNT Vĩnh Long tiếp tục thực hiện dự án phát triển cây ca cao nhằm mở rộng diện tích loại cây công nghiệp này, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, đưa nhanh những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, đồng thời góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.

Tính đến tháng 8 năm 2015, diện tích trồng ca cao của huyện Trà Ôn đã tăng lên đáng kể, đạt 281,2 ha. Trong năm 2014, Trung Tâm Khuyến nông Vĩnh Long hỗ trợ nông dân xây dựng vườn ca cao mẫu, sản xuất theo qui trình hữu cơ (UTZ) tại xã Xuân Hiệp. Tổ hợp tác sản xuất ca cao xã Xuân Hiệp đã được chứng nhận với diện tích 10,2 ha, sản lượng được công nhận trong năm 2014 là 3.250kg. Năm 2015, Trung Tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục hỗ trợ xã xây dựng vườn ca cao mẫu với diện tích 17 ha.

Song song với việc hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình, ngành nông nghiệp Vĩnh Long cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh thành lập cơ sở tổ chức thu mua, chế biến, làm dịch vụ để tiêu thụ sản phẩm. Một trong các doang nghiệp đó là công ty Grand Place. Từ năm 2013, công ty đã hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua sản phẩm.

Việc thu mua, hỗ trợ dịch vụ cho nông dân hiện tại và trong thời gian sắp tới là rất cần thiết, bởi theo quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long, đến năm 2020, tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng cây ca cao lên 2.500 ha, tập trung tại 4 huyện: Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít. Với diện tích và kế hoạch như vậy, sản lượng ca cao của tỉnh sẽ tăng lên đáng kể.

Xuất phát từ thực tế đó, công ty Grand Place kết hợp với UBND xã Xuân Hiệp, điểm thu mua ở địa phương đã thành lập Trạm dịch vụ ca cao ở ấp Hồi Lộc - xã Xuân Hiệp - huyện Trà Ôn. Trạm sẽ là điểm hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, thu mua sản phẩm cho bà con nông dân ở địa phương và các vùng lân cận.

Sự ra đời của Trạm dịch vụ ca cao sẽ giúp nông dân an tâm đầu tư canh tác và mở rộng diện tích trồng ca cao. Hy vọng Trạm sẽ là người bạn thân thiết, luôn đồng hành, hỗ trợ nhà vườn trồng ca cao ở Trà Ôn nói riêng và ở Vĩnh Long nói chung.


Nguyễn Văn Bình

Trạm Khuyến nông Trà Ôn, Vĩnh Long