Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy: Từ ngày 1-1 đến ngày 19-3, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được gần 537.000 tấn gạo, trị giá FOB đạt gần 237 triệu USD, giá FOB xuất khẩu bình quân 440,18 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước giảm 41,36% về số lượng, giảm 40,52% về giá trị FOB; giá FOB xuất khẩu bình quân tăng 6,21 USD/tấn. Tính đến ngày 19-3, số lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đạt 1,944 triệu tấn, tăng 6,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lượng hợp đồng còn lại chưa giao hàng là 1,4 triệu tấn. Hiện tổng lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp chờ xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn. Theo nhận định của VFA, diễn biến tình hình thị trường gạo trên thế giới tiếp tục khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Chủ yếu là áp lực dư thừa nguồn cung từ các nước xuất khẩu, cạnh tranh quyết liệt về giá và chính sách đẩy mạnh giải phóng tồn kho của Thái Lan cùng với diễn biến khó lường từ thị trường Trung Quốc…

Đối với các mặt hàng nông, thủy sản, 2 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu đạt 2,7 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,7% trong tổng xuất khẩu hàng hóa các loại. Ước tính, xuất khẩu nhóm hàng này trong quý 1-2015 đạt hơn 4,2 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm thuế suất, thuế nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu thủy sản chủ lực phục vụ xuất khẩu, như: tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, cảnh báo tình trạng phá vỡ quy hoạch nuôi tôm hiện nay gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan để đề xuất phương án đấu tranh, phản bác lại các chiến dịch bôi xấu hình ảnh thủy sản Việt Nam; chủ động đấu tranh hiệu quả đối với các rào cản không phù hợp đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ, Mexico, Nga, Nhật Bản...

Theo SGGP Online